Hàng Nhật

51502429-E59A-47FD-8870-6A43E8CD8449

Dạo gần đây có rất nhiều dòng sản phẩm mới lạ được bán tràn lan trong nước mà theo người bán là có xuất xứ từ Nhật Bản. Nhiều người mua sử dụng rồi truyền miệng nhau, gia đình nào có người thân ở Nhật còn nhờ mua hộ, mua giúp, nhưng oái oăm ở chỗ ở Nhật không có bán và cũng không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm đó. Tất nhiên là hầu hết người Nhật cũng không hề biết về các dòng sản phẩm được nói là có xuất xứ từ quê hương của họ.

Mình rất là ngạc nhiên vì ngày càng nhiều sản phẩm dạng như thế mà người Việt mình vẫn còn mập mờ về nguồn gốc của sản phẩm. Chính vì mập mờ nên họ mới nhờ người nhà ở Nhật mua, mà người nhà thì cứ ngớ ngớ, chạy lên diễn đàn hỏi mấy mom ơi coi giúp em cái này có bán ở Nhật không, sao em tìm hoài không thấy. Hàng Nhật do Nhật sản xuất, nếu không có công ty chi nhánh tại Việt nam (sản phẩm sẽ được ghi bằng tiếng nước sở tại), tức là dạng mua tại thị trường nội địa xách tay về vn là phải viết toàn tiếng Nhật, không có kiểu viết tiếng Trung, tiếng Pháp rồi vui vui chen vô tiếng Anh, tiếng Việt gì tùm lum hết, giống như “quay” người mua như dế ấy.

Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh có các hình thức OEM – Original Equipment Manufacturing (tạm dịch sản xuất thiết bị gốc), ODM – Original Design Manufacturing (tạm dịch sản xuất thiết kế gốc) và OBM – Original Brand Manufacturing (Sản xuất thương hiệu gốc). OEM là một công ty khách hàng nhờ một công ty sản xuất sản phẩm đem về bán dưới thương hiệu của họ. ODM là một công ty khách hàng nhờ một công ty thiết kế sản phẩm dựa trên ý tưởng của công ty khách hàng rồi được bán dưới tên thương hiệu của khách hàng đã đặt. Còn OBM là cả thiết kế và sản xuất đều không phải của khách hàng mà họ chỉ nhập về từ công ty khác rồi phát triển nó dưới thương hiệu của mình. Thế cho nên các dòng sản phẩm có xuất xứ từ Nhật theo các công ty đã nói được bán ở vn nhưng không tìm thấy ở Nhật là rất có thể thuộc dạng sản phẩm OEM và OBM (không kể đồ fake nhé).

Có một số người ủng hộ dòng sản phẩm này vì theo họ nghĩ là sản phẩm thật sự xuất xứ từ Nhật, lại là sp mới, không chịu nhiều chi phí quảng cáo, tiếp thị nên giá thành không bị đội lên so với các dòng sản phẩm thương hiệu uy tín lâu năm của Nhật, những thương hiệu mà theo họ là bỏ rất nhiều tiền để quảng cáo. Một số người còn nói nếu cứ đánh giá sp mới là hàng giả, kém chất lượng như vậy thì làm sao người ta tạo dựng thương hiệu mới, chỉ tổ làm giàu cho các ông lớn trên thị trường. Mình luôn tâm niệm một điều là cái gì cũng có cái giá của nó. Một nhãn hàng phải trải qua mấy chục năm gầy dựng mới có được thương hiệu triệu đô, tỷ đô. Nước Nhật đã phải phấn đấu biết mấy chục năm mới tạo nên chất lượng Nhật trên toàn thế giới, để biết bao nhiêu dòng sản phẩm “nương nhờ”, “núp bóng”. Là tiền bạc, công sức của biết bao người thì mới có thành quả như thế.

Thực tế nước Nhật có trên dưới 120 triệu người, sản phẩm sản xuất nội địa cung không đủ cầu, nhiên liệu thực phẩm cũng nhập của nước ngoài rất nhiều, chỉ là khi vào Nhật nó được chế biến kiểm định theo tiêu chuẩn Nhật nên phần nào đảm bảo về chất lượng. Các sản phẩm mang nhãn mác nổi tiếng của Nhật đa phần đều phải đặt trụ sở nước khác để có nhân công, nhiên liệu sản xuất để bán sp tại nước sở tại. Còn các dòng sản phẩm nữa nạc nữa mỡ này, được bán trong cái thời đại vàng thau lẫn lộn, đồ kém chất lượng tràn lan thì khó trách khách hàng phải dè chừng và khách hàng là thượng đế họ có quyền chọn lựa sản phẩm nào mà họ thích và tin dùng. Sản phẩm theo loại hình kinh doanh này ngày càng nhiều, rồi ai biết chúng có bị pha tạp không, khách hàng đâu có thần thông quảng đại nhìn thấu được 1001 loại thành phần trong đó.

Làm gì có chuyện làm giàu cho mấy ông lớn khơi khơi, họ bỏ sức tạo thương hiệu một mà bỏ sức giữ thương hiệu đến mười. Thành phần, chất lượng phải cho rõ ràng, chỉ cần khai mang, có mà nói không có, một ngày đẹp trời người ta phát hiện ra thì công sức mấy chục năm đổ sông đổ biển. Chính vì thế mà một bộ phận lớn khách hàng luôn ủng hộ dòng sản phẩm mà họ trung thành, ít nhiều nó có sự đảm bảo. Còn các thương hiệu non trẻ, sinh sao đẻ muộn, “núp bóng”, “núp lùm” này kia thì phải chịu khó gầy dựng, chịu đựng sự kỳ thị ít nhiều. Nếu người ta nói đồ kém chất lượng thì cũng im lặng mà chứng minh cho người ta tin là hàng mình là đồ chất lượng. Và thậm chí bị tẩy chay cũng có thương hiệu đâu mà mất, cùng lắm nhảy qua thương hiệu khác mà phát triển tiếp. Chứ nói người ta ủng hộ ông lớn không ủng hộ các thương hiện mới là hẹp hòi, thiếu hiểu biết thì có gì sai sai ấy.

Nhiều mom sống ở Nhật làm công việc bán hàng online để cho đỡ buồn, có chút tiền ăn bánh hoặc đeo đuổi sở thích kinh doanh. Thật ra mà nói hàng ở Nhật nội địa luôn bị đáng thuế khá cao, thực phẩm là bị đánh ít nhất cũng đã 8%. Nếu vận chuyển về Việt Nam thêm tiền ship thì giá đội lên rất cao, hoàn toàn không thể cạnh tranh được giá bán trong nước. Nhiều người còn bảo người nhà mua đồ ở Vn cho nó rẻ nữa ấy chứ. Còn về nguồn gốc hàng ở VN thì miễn bàn, người ta có rất nhiều lý do giải thích khác nhau, biết cái nào với cái nào, thật giả bản thân người bán còn không biết mà huống hồ gì khách hàng. Nói tóm lại bán hàng online trong thời điểm hiện nay, nếu gặp bộ phận chuộng đồ rẻ, là thua không thể kiếm được tiền, nên đa phần các mom đều giải nghệ sau thời gian để đi làm baito (công việc bán thời gian) cho nó lành mà đỡ tốn công, tốn sức inbox, rồi đỡ phải tức khi bị khách “bom” hàng.