Làm Phụ Nữ Không Nên Cầu Toàn Quá

Ở đời chắc ai cũng có một cái tật thành bệnh rồi. Kêu mình nấu cơm thì cũng biết nấu sơ sơ, kêu giữ con thì làm cũng khá tốt, kêu chơi với con và dạy con học thì cũng không quá tồi … nhưng chỉ có một thứ là dọn nhà và làm việc nhà là làm biếng. Nhà đẹp mới cỡ nào vô tay mình cũng thành “chuồng heo”. Ai cũng mong ở nhà cao có cái cửa rộng, riêng mình thì nhà nhỏ đầy đủ tiện nghi, (dạng nhấn nút là nó chạy) là cám ơn nhiều, để lỡ có “phá hoại” thì cũng trong phạm vi hẹp có thể thu dọn được tàn cuộc, tiết kiệm chút ích tiền bồi thường thiệt hại.

Không giỏi nấu nướng, may vá và dọn dẹp nên không bao giờ dám mời ai về nhà chơi. Thân tình thì mời đi ra ngoài ăn uống chứ không dám bày biện ở nhà, sợ tự mình “vả vô mặt mình”. Đôi khi đồ đạc trong nhà bị dùng sai chức năng: bàn ăn thành bàn làm việc, còn bàn để phòng khách thành bàn ăn, phòng ngủ thành phòng đọc sách và chơi đồ chơi… cứ là bừa bộn thế đấy.

Ngoài công việc của bản thân, sức khỏe của ck, con và dạy con chút kiến thức ra thì tự hứa không để bản thân phản ôm đồm quá nhiều những công việc không tên khác. Nhiều người cứ than phiền là không có thời gian cho bản thân hay mệt mỏi vì bận rộn với nhiều công việc nhà thì mình nghĩ là quá cầu toàn. Chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé mà phải đẹp, phải giỏi, phải khéo và phải biết đối nhân xử thế …thì mệt là phải rồi. Biết nhiều quá mà vất vả thì thà biết ít đi một chút, nhung lụa quá mà buồn khổ thì thà bình thường một chút để được vui hơn.

Đôi khi được cũng chưa phải là sướng mà mất cũng chưa chắc là phải khổ. Đời giờ lắm thị phi, nên nếu có thể thì cố gắng sống đơn giản một chút, vui thì cười, buồn thì khóc, mệt thì buông bỏ để cảm giác mình còn được là chính mình.

Sòng Phẳng Trong Hôn Nhân

Ở Nhật ck ngồi cả ngày trong công ty còn vk thì cả ngày chăm con ở nhà được gọi sòng phẳng. Ở Mỹ sòng phẳng là ai cũng có công việc riêng, đứa làm nhiều bỏ ra nhiều còn đứa làm ít bỏ ra ít, con cái thì cùng nhau chăm sóc. Ở vn thì ck đi làm, vk ở nhà vừa chăm con và phần nhiều phải đi kiếm tiền phụ giúp cuộc sống, một kiểu sòng phẳng kết hợp hai hình thức trên.

Thật sự mà nói rất khó để có sự sòng phẳng rạch ròi trong hôn nhân, khó cũng giống như người ta đi tìm kiếm sự công bằng trong bất bình đẳng giới. Đàn ông có nhiều thời gian học hành lo sự nghiệp hơn vì họ không bị gián đoạn cho việc sinh và nuôi dạy con như phụ nữ. Phụ nữ bước vào hôn nhân ai cũng phải “khởi động” cho bài tập vận động kết hợp toàn thân mang tên “có thai + sinh con + nuôi-dạy con”.

Chăm con là một công việc không lương, làm xuyên suốt 24/24, không được nghỉ phép hay nghỉ bệnh gì cả. Chưa kể mỗi lần sinh nở là giống như sống sót trở về sau một trận chiến sinh tử, như vậy thì làm sao có thể sống sòng phẳng được nhỉ? Nếu muốn sòng phẳng thì kết hôn, sinh con làm gì cho mất công phiền phức cuộc đời, cứ ráp lại sống chung giống hai thằng đàn ông hay hai người đàn bà dưới mái nhà có phải hơn không? Phân chia đàn ông, đàn bà chi cho mất công bất bình đẳng giới. Mình nghĩ có nhiều người phụ nữ nếu có cơ hội làm đàn ông, thì chắc chắn họ sẽ thành công và sống quân tử hơn nhiều người lắm luôn.

Hôn Nhân Khó Đoán

Lấy ck xong mới thấm câu trên đời không có người đàn ông nào tốt hết. Nếu tránh được không rượu chè hút sách, vô tình vô tâm thì cũng cờ bạc gái gú, bạc tình bạc nghĩa. Nhẹ lắm thì cũng làm biếng, ở dơ, mê game, mê la cà quán xá … Tức là phải có một thứ họ mê, họ đổ đốn, không thể nào khác đi được bởi vì nếu không vậy thì chắc không phải đàn ông hoặc chắc thuộc 0.000…1% nhóm cực kỳ hiếm của dân số thế giới, còn hiếm hơn cả hoá thạch khủng long nữa, mà giả sử có người đàn ông tốt toàn vẹn như vậy thì có nằm mơ cả đời cũng chả có thấy được … cái lưng nói gì đến cái mặt.

Nhiều người bảo ck ngoan, ck thương, ck biết nghe lời, chia sẻ, cảm thông các thể loại thì mình nghĩ chắc là dạng shinkon (mới cưới) chưa trải qua sống gió, đau thương của cuộc sống hôn nhân. Năm năm khác mười năm, mười năm khác với hai mươi năm… Giờ ai hỏi có hạnh phúc hay không? Thì cũng không biết đường trả lời hoặc không dám trả lời. Mặc dù ck nằm kế bên mỗi ngày, ra vào đụng mặt rầm rầm nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao, có cãi nhau sập nhà hay vì một vấn đề bạo lực nào đó mà “gọi cảnh sát” đến để phân xử hay không nữa. Câu hỏi đó phải đợi đến khi hôn nhân hết thời hạn mới trả lời chính xác được.

Con người là động vật cấp cao, nên có nhiều cảm xúc mà các loài cấp thấp không có, điển hình là cảm giác buồn chán mà đàn ông lại thường dễ chán hơn phụ nữ nên mới sinh ra đủ thứ trò để tiêu khiển và đến một lúc nào đó bỏ luôn cả vk để đi theo người phụ nữ khác cũng vì cái chữ chán này. Tài giỏi xinh đẹp, thông minh hay khéo léo gì không liên quan, chán thì là chán, là sinh tật bậy bạ.

Tuổi thọ của một cuộc hôn nhân mặc định là một đời một kiếp, nhưng có mấy ai giữ được toàn vẹn đến phút cuối cùng nhỉ, yêu nhau như ngày đầu, nghe thấy giống tiểu thuyết ngôn tình hay phim tình cảm sướt mướt. Cảm giác giống như vừa kết hôn xong là tình yêu hấp hối, sau khi sản xuất 1, 2 mặt con là chết queo luôn. Nói vậy không có nghĩa là phê phán hôn nhân, hôn nhân ngoài tình yêu còn là trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình, xã hội và rộng ra là nhân loại. Ông bà bố mẹ sống “cũng răng long đầu bạc” đấy, thời đại của họ có hận có ghét cũng chả thấy ly thân ly hôn gì ráo vì đa phần họ sống vì trách nhiệm vì tình vì nghĩa chứ hôn nhân chưa bao giờ là nơi dung dưỡng tình yêu.

Nên mới nói hôn nhân giống như một ngôi nhà mới mà bản thân vừa bước vào là biết trước được tương lai nó sẽ bị hạ giá đến gần như mất trắng giá trị vốn có. Vì thế nếu không có phòng bị cho hậu vận, cứ nghĩ mọi thứ cứ như vậy thì sẽ trở tay không kịp. Đời người chỉ có tình cảm huyết thống là không thể thay đổi còn lại tất cả đều vạn biến, được rồi lại mất, hạnh phúc rồi khổ đau luôn song hành cùng nhau. Nếu bạn vượt ra khỏi phạm trừu này thì nói theo tâm linh là phúc phần nhà bạn quá lớn, nên tất cả khổ đau của cuộc đời vô thường này không tấn công được bạn.

Đồng ý cuộc đời là phải sống cho hiện tại, cố gắng thoải mái tận hưởng những gì mình có bớt đi nỗi lo không cần thiết (vì nếu mà là số thì có chạy đằng trời), chỉ là bớt tin tưởng vào một cái gì đó quá tuyệt đối, bớt ngôn tình hoá cuộc sống lứa đôi, phải biết phòng bị cho mình một chút vốn liến (tiền bạc cũng được, kiến thức cũng được, con cái cũng được …) để khi có bất trắc xảy ra thì còn biết đường mà chạy.

Đối Diện với Bản Thân

Đời người luôn bị ràng buộc trong nhiều mối quan hệ, bất luận là mình thích hay không thích đều không thể chối bỏ được. Vì vậy, đối với ông bà cha mẹ cố gắng đừng bất hiếu, đối với anh chị em cố gắng đừng bất nghĩa, đối với vợ chồng cố gắng đừng bất trung, đối với con cái cố gắng đừng bất nhân, đối với người thân cố gắng đừng bất kính, … Bởi người ta nói sống đâu có dễ, nó là cả một nghệ thuật.

Ở đây mình dùng từ “cố gắng” vì mình làm người không phải làm thánh nên đâu tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm, đâu có thể nào đóng được “vai chính diện” trong tất cả các mối quan hệ xung quanh. Phàm làm người thì ai cũng có một giới hạn nhất định, cho nên một khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không được như ý thì phải học cách buông bỏ và chấp nhận thực tế. Rất vô lý nếu phải day dứt về những việc nằm ngoài tầm với của bản thân và ôm đồm hết những thứ mà vốn dĩ mình không thể đeo mang.

Cứ lúc nào cũng gồng mình để chịu đựng những gánh nặng của đời người thì dù có thêm vài chục năm tuổi thọ cũng chả thấm vào đâu. Cuộc sống ngắn ngủi, xoay đi xoay lại là “hết date”, nên làm gì làm phải học cách đối diện với bản thân trước, miễn đối diện được với chính mình thì tất cả những thứ còn lại đều không thành vấn đề.